Thế giới vi rút dưới ống kính hiển vi

Nhiều loại virus nguy hiểm gây bệnh cho người được các nhà khoa học tái hiện một cách sinh động dưới ống kính hiển vi và công nghệ xử lý 3D.

Virus HIV (Human Immunodeficiency Virus) làm hệ miễn dịch của con người suy giảm, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh, đe dọa mạng sống của người nhiễm virus.

Virus viêm gan C (Hepatitis C) là một trong những nguyên nhân gây viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan.

Virus cúm (Influenza Virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae. Đây là tác nhân gây bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho nặng và kéo dài, có thể có các triệu chứng đường tiêu hóa. 

Coronavirus là tên một loại virus nguy hiểm được cho là giống với virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS.
 Virus Dengue gây sốt xuất huyết ở người thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes Aegyptiv.

Nguyên nhân gây bệnh sởi ở người, virus Measles. Đặc trưng của bệnh sởi là phát ban dạng sẩn, xuất hiện từ cổ, ngực, tay, chân, thân kèm theo sốt cao.

Virus đậu mùa (Smallpox). Đậu mùa gây bệnh trong các mạch máu nhỏ trên da, miệng và cổ họng. Ở vùng da, bệnh đậu mùa gây ra các vết ban nổi sần đỏ đặc trưng, sau đó da bị phồng rộp với những vết sần chứa nước.

Virus gây bệnh bại liệt Poliovirus. Khi nhiễm vào cơ thể, Poliovirus lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ và gây bại liệt

Virus West Nile (WNV) là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não. Loại virus này được phát hiện ở Uganda, một quốc gia thuộc Trung Phi, vào năm 1937.

Hình ảnh của virus gây bệnh sốt vàng (Yellow Fever Virus), thường thấy ở châu Phi và Nam Mỹ. 


Virus cúm lợn (Swine Flu Virus). Những người tiếp xúc với lợn có nguy cơ nhiễm loại virus này nếu động vật mang loại biến thể virus có thể gây nhiễm sang người.
Thùy Linh (Theo Huffington Post)

 

QUAN SÁT VẬT LIỆU NANO BẰNG KÍNH HIỂN VI ĐIỆN TỬ TRUYỀN QUA



QUAN SÁT VẬT LIỆU NANO BẰNG KÍNH HIỂN VI ĐIỆN TỬ TRUYỀN QUA
TS. Trần Quang Huy – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

I. Giới thiệu chung
           
Kể từ khi Hai nhà khoa học người Đức: Max Knoll  và Ernst Ruska phát minh ra kính hiển vi điện tử truyền qua (Transmission Electron Microscope - TEM) trên thế giới năm 1931. Phát minh này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc nghiên cứu và quan sát những mẫu vật trong thế giới siêu vi mô. Ngày nay, TEM là một thiết bị nghiên cứu rất quan trọng trong các ngành khoa học nhằm quan sát và phân tích các đặc tính về cấu trúc, hình thái và thành phần của mẫu vật ở cấp độ nanô mét.
Hiển vi điện tử truyền qua là một thiết bị không thể thiếu khi nghiên cứu về vật liệu có kích thước nano, TEM không những cho các nhà nghiên cứu biết được các thông tin về những đặc trưng về hình thái, cấu trúc của vật liệu mà còn cho phép kiểm soát được chất lượng của vật liệu chế tạo được (tính đồng nhất về cấu trúc và kích thước, độ lặp lại, sự sai hỏng, khả năng phân tán…). Đặc biệt, khi kết hợp với những phép phân tích khác kèm theo hiển vi điện tử truyền qua như EDX, nhiễu xạ điện tử còn cho biết bản chất và thành phần của mẫu. 
Tuy nhiên, hiển vi điện tử truyền qua là một phương pháp nghiên cứu tương đối phức tạp và có nhiều kỹ thuật khác nhau, tuỳ thuộc vào đối tượng và mục đích nghiên cứu, các thiết bị phụ trợ và hoá chất chuyên dụng. Vì vậy, người sử dụng phương pháp TEM trong nghiên cứu vật liệu nano không những phải am hiểu về các thuộc tính của mẫu, khả năng phân tích vi cấu trúc, mà còn phải hiểu được qui trình chuẩn bị mẫu để vận dụng, khai thác thông tin thích hợp. Trong nhiều trường hợp, khi phân tích mẫu vật liệu nano sẽ gặp những giả hạt có kích thước nano hình thành bởi màng cabon bị chùm điện tử bắn phá, các chất bụi bẩn hoặc lỗi trong quá trình chuẩn bị mẫu đều ảnh hưởng đến kết quả phân tích.  
Trong bài viết này, tác giả xin giới thiệu một số phương pháp chuẩn bị mẫu vật liệu nano cho kính hiển vi điện tử truyền qua và đưa ra những hình ảnh minh họa.

II. Phương pháp chuẩn bị mẫu
Đối với các loại vật liệu khác nhau đều có kỹ thuật chuẩn bị mẫu khác nhau để được kết quả tốt nhất.
2.1 Chuẩn bị màng  đỡ
Khi phân tích các mẫu vật liệu nano bằng phương pháp TEM, một trong những bước quan trọng nhất là công đoạn chuẩn bị lưới  và màng đỡ sao cho lưới có độ bền cơ học cao. Thông thường, để đạt được độ ổn định cơ học và độ phân giải cao trong quá trình quan sát mẫu vật liệu nano, người ta thường sử dụng lưới đồng 200-300 mắt lưới (mua từ công ty EMS-Electron Microscopy Sciences) có phủ màng cacbon. Quá trình tạo màng cacbon được thực hiện nhờ máy bốc bay cácbon chân không cao (JEE 420 –JEOL, Nhật Bản) với hai thanh cacbon sạch (đường kính 5mm) được nối với hai điện cực cho tiếp xúc với nhau, trong đó một thanh được vót nhọn, thuôn. Sử dụng một tấm  mêka chuyên dụng và sạch để làm đế tạo màng cacbon bằng phương pháp lắng đọng. Hơi cacbon trong quá trình bốc bay sẽ đọng lại trên đế thành màng mỏng đồng nhất và có độ dày 40-60nm  (độ dày thích hợp-có màu vàng rơm). Màng cacbon được tách khỏi đế bằng cách tách nổi trên bề mặt nước cất hai lần. Lưới đồng sau khi rửa sạch được đặt úp xuống bề mặt màng cacbon nổi trên mặt nước. Sử dụng loại giấy lọc Whatman loại 1 để thu lưới có màng theo cơ chế “sandwich”. Lưới đã phủ màng cacbon để khô nguyên trên giấy lọc ở điều kiện thường để chờ làm mẫu.

2.2 Đưa mẫu lên lưới
a) Mẫu vật liệu nano dưới dạng huyền phù (lắng đọng)
Để bảo vệ bề mặt mẫu, tránh khả năng kết tụ hoặc dùng cho những mục đích ứng dụng khác nhau, người ta thường sử dụng một dung dịch hoặc chất bao bọc hạt nano. Do đó, mẫu thường tồn tại dưới dạng huyền phù. Một số mẫu chỉ sử dụng nước hoặc dung dịch dễ bay hơi làm môi trường. Quá trình làm mẫu được thực hiện bằng cách nhỏ một giọt dung dịch có mẫu lên trên lưới đồng đã phủ màng cácbon, để khô trong không khí hoặc sấy trong tủ ấm 37°C, chờ quan sát dưới TEM. Trong trường hợp mẫu bị kết tủa rung siêu âm từ 10 phút -30 phút tùy theo mức độ kết tủa hoặc kết đám. Mẫu quá đặc thường phải pha loãng bằng dung môi thích hợp trước khi đưa lên lưới.
b) Mẫu vật liệu nano dạng bột
Rất nhiều loại mẫu vật liệu nano nghiên cứu hiện nay tại Việt Nam đều cô đặc lại thành dạng bột (TiO2, Ag, ZnO, Al2O3,…). Để phân tích bằng TEM, các mẫu này nên được hòa tan vào dung môi thích hợp và rung siêu âm từ 15 phút – 2 giờ tùy theo vật liệu. Sau đó, nhỏ một giọt dung dịch chứa mẫu lên trên lưới đồng đã phủ màng cácbon. Để khô tự nhiên trong không khí và quan sát dưới TEM. Lưu ý, nếu có quá nhiều mẫu trên lưới (có thể quan sát được bằng mắt thường) cần phải gõ vào lưới để giảm lượng mẫu, tránh rơi xuống cột kính trong quá trình quan sát.

2.3 Mẫu nano composit
Các mẫu nano composit thường ở trạng thái rắn, nhựa dẻo hoặc cao su, do đó trước khi phân tích TEM, các mẫu này cần được ngâm và cắt siêu mỏng trong nitơ lỏng, mỗi lát cắt có độ dày từ 50-100nm. Mẫu cũng có thể được polyme hóa trong Epon812 để tạo nền cứng polyme trước khi cắt. Cắt mẫu bằng dao kim cương Diamond nghiêng 45° hoặc dao thủy tinh.

2.4 Ống nano, xốp, màng mỏng
ống nano, mẫu vật liệu xốp thường được đưa trực tiếp lên trên lưới đồng đã phủ màng cácbon. Do các vật liệu này gắn kết với màng các bon yếu, rất dễ bị tích điện, dẫn đến hiện tượng trôi hoặc bị bật ra khỏi vị trí của chúng. Hơn nữa, màng cacbon là loại kỵ nước nên cũng làm giảm liên kết giữa màng và vật liệu. Do vậy, thường sử dụng dung dịch đặc biệt (bacitracin 0,1%) để ion hoá và làm giảm khả năng kỵ nước của màng cácbon trước khi đưa mẫu lên lưới.
Đối với mẫu vật liệu là màng mỏng phủ trên đế (silic,…) được tách ra khỏi đế và đưa trực tiếp lên lưới để quan sát.
Đối với những mẫu là kim loại hay hợp kim dầy ta phải dùng thiết bị ăn mòn (FIB – Focus Ion Beam) để tạo thành lớp mỏng dưới 100nm, và đường kính mẫu nhỏ hơn 3,05mm để phù hợp với vị trí đặt mẫu của TEM.

III. Kết quả minh chứng

3.1 Hạt nano


Hình 1: Các hạt nano ZnO có kích thước trung bình 4nm, phân tán đều trong dung dịch. Mẫu đo được từ dung dịch dạng huyền phù.


Hình 2. Các hạt nano bạc có cấu trúc lõi - vỏ, kích thước trung bình 20nm. Tuy nhiên, các hạt này có kích thước không đều, được bao bọc bởi lớp vỏ polyme  có độ dày 1nm.

3.2. Vật liệu cấu trúc nano



Hình 3. Nền polyme chèn khe vào các lớp đất sét, tách thành những khe rộng 3-4nm. Một số vị trí khác các lớp vẫn chưa tách hoàn toàn, tạo thành những bó giống như các sợi sắp xếp liền sát nhau

3.3 Ống cacbon và xúc tác



Hình 4. ống nano cácbon có chứa các hạt sắt bên trong lòng ống.


Hình 5. Cấu trúc xốp hình lục lăng sắp xếp một cách đều đặn, có trật tự. Đường kính lỗ cỡ 6-7 nm, thành ống 1-2 nm

IV. Kết luận
Các kết quả trên được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Siêu cấu trúc và Nano y sinh– Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Mẫu được cung cấp bởi các đơn vị nghiên cứu trong nước gửi tới phòng thí nghiệm. Bài viết này đã đưa ra một số thông tin cơ bản về các kỹ thuật chuẩn bị mẫu và quan sát mẫu vật liệu nano bằng hiển vi điện tử truyền qua, giúp cho bạn đọc hiểu được một vật liệu nano sẽ được quan sát như thế nào trên kính hiển vi điện tử truyền qua.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.      Nguyễn Kim Giao. Hiển vi điện tử truyền qua. Nxb Đại học QGHN 2004 
2.   H.S. Nalwa. Handbook of Nanostructured Materials and Nanotechnology, vol. 1, Academic Press, 2000

CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC Y SINH CỦA VIỆT NAM, 2006 - 2011

Xin giới thiệu với Quý độc giả bản tóm tắt bài phân tích về công bố quốc tế trong lĩnh vực y sinh học của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2011, đã đăng trên Tạp chí Y học dự phòng năm 2012.Bài viết chỉ nên được coi như là một bài trao đổi thông tin với những bạn đọc quan tâm về lĩnh vực nghiên cứu y sinh học trong nước.



CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC Y SINH CỦA VIỆT NAM, 2006 - 2011
Trần Quang Huy, Phan Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Hà, Đặng Đức Anh, Nguyễn Trần Hiển
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

GIỚI THIỆU
Công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí (có bình duyệt) là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà khoa học, đây được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá tiềm lực khoa học của mỗi một quốc gia cũng như mỗi đơn vị nghiên cứu. Hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách rất nhanh chóng trong thế kỷ thứ 21, đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến sự giao lưu giữa các nhà khoa học, các nền khoa học, khả năng tiếp cận các kho tàng tri thức trên khắp thế giới trở nên rất thuận tiện. Sự hội nhập quốc tế về khoa học bằng cách công bố những công trình nghiên cứu trong nước trên các tạp chí quốc tế chính là một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hiện nay, đa phần kết quả nghiên cứu trong nước đều công bố trên những tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt, do vậy, gây ra những khó khăn trong việc tra cứu thông tin cũng như quảng bá nền khoa học của Việt Nam ra thế giới [1]. Mặt khác, quy trình bình duyệt (peer-review) nội dung bài báo trong nước thường không chặt chẽ dẫn đến khó đánh giá được chất lượng của công trình nghiên cứu cũng như xếp loại được tạp chí khoa học. Chính vì vậy, công bố quốc tế không những giới thiệu được kết quả nghiên cứu trong nước đến các nhà khoa học quốc tế, đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại, mà còn giúp cho các nhà khoa học mở rộng cơ hội để trao đổi hợp tác, nâng cao trình độ và đặc biệt là nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ chủ quyền và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe nhân dân.
Gần đây, một số đơn vị nghiên cứu trong nước đã chú ý đến việc khuyến khích các nhà khoa học trẻ chủ động công bố những kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí quốc tế có bình duyệt, đặc biệt, sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã góp phần thúc đẩy nhận thức về trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước đối với việc công bố quốc tế [2]. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chủ yếu dựa vào số lượng công trình công bố mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng công trình cũng như mức độ ảnh hưởng của tạp chí đăng tải. Trên thế giới, ISI (Institute of Scientific Information, Thomson Reuters) là đơn vị uy tín bậc nhất được các nhà khoa học quốc tế sử dụng để đánh giá chất lượng, sàng lọc và xếp loại các công trình /tạp chí khoa học. Chỉ số thường được sử dụng trong hệ thống ISI để đánh giá chất lượng của một tạp chí khoa học như: 1- hệ số ảnh hưởng (impact factor-IF), đây là hệ số giữa lượt trích dẫn/số công trình xuất bản của mỗi tạp chí tính theo hai năm trước đó; 2- chỉ số H (H-index, hay Hirsch index), là chỉ số tính theo số lượng (n) công trình được được trích dẫn nhiều nhất (≥n lần) trong tổng số công trình đã công bố [3]. Chỉ số H cũng được sử dụng để đánh giá năng suất và mức độ ảnh hưởng của một nhà khoa học, một đơn vị nghiên cứu hay một lĩnh vực nghiên cứu. Theo Hirsch [3] và phân tích của GS. Nguyễn Văn Tuấn [4], "một nhà khoa học với chỉ số H = 12 nên được xem là đủ tiêu chuẩn là biên chế giảng viên đại học (tenure). Một nhà khoa học với chỉ số H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học thành công (successful); một chỉ số H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là xuất sắc (outstanding), thường hay thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; một chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là thật sự cá biệt (truly unique). Người có chỉ số H khoảng 12 có thể xem tương đương với giảng viên (lecturer hay senior lecturer), và người có chỉ số H khoảng 18 trở lên có thể xem tương đương với đẳng cấp giáo sư. Phân tích chỉ số H của các nhà khoa học từng chiếm giải Nobel cho thấy chỉ số H trung bình của họ là 41 với độ lệch chuẩn 15. Một số nhà khoa học nổi tiếng hiện nay thường có chỉ số H trên 100. Tuy nhiên, chỉ số H của các nhà khoa học Việt Nam chỉ dao động trong khoảng 2 đến 31, phần lớn là dưới 10".
Ngoài ra, có nhiều tiêu chí khác để đánh giá chất lượng của một tạp chí khoa học, một cơ sở nghiên cứu hay nền khoa học của một quốc gia, tuy nhiên, mối quan hệ giữa mức độ ảnh hưởng (số trích dẫn) và số công trình công bố vẫn luôn là tiêu chí quan trọng nhất. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Scopus (quản lý nguồn dữ liệu của hơn 5000 nhà xuất bản trên thế giới), SCImago đang nổi lên là tổ chức đánh giá năng lực và chất lượng nghiên cứu có uy tín đối với tạp chí khoa học, đơn vị nghiên cứu hay quốc gia [5,6]. SCImago đã đưa ra 7 chỉ số để đánh giá chất lượng của một đơn vị nghiên cứu, bao gồm: 1 - O (output): tổng số công trình công bố được tìm thấy trên Scopus; 2 - IC (International Cooperation): số lượng nghiên cứu hợp tác quốc tế; 3 - NI (Normalized Impact): giá trị (%) ảnh hưởng bình quân của một đơn vị so với giá trị bình quân về khoa học của thế giới; 4 - Q1 (High Quality Publications): số lượng công trình có chất lượng cao; 5 - Spec (Specification Index): chỉ số chuyên biệt hóa của các công trình công bố của mỗi đơn vị; 6 - Exc (Excellent Rate): số lượng công trình (%) của mỗi đơn vị nằm trong 10% công trình được trích dẫn nhiều nhất trong mỗi lĩnh vực khoa học; 7 - Leadership (Scientific Leadership): chỉ số lãnh đạo thể hiện số lượng công trình công bố của đơn vị có trách nhiệm chính.

KẾT QUẢ PHÂN TÍCH
1.      Vị thế công bố quốc tế của các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam
Theo bảng xếp hạng của SCImago năm 2012 về năng lực nghiên cứu của 3290 đơn vị nghiên cứu/106 nước, Việt Nam chỉ có 04 đơn vị được xếp hạng bao gồm: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (xếp thứ 2058), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ( xếp thứ 2774), Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp thứ 3155) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 3160); trong khi đó Thái Lan có 18 đơn vị, Malaysia có 17 đơn vị và Singapore có 12 đơn vị được xếp hạng. Số liệu công trình công bố của mỗi đơn vị để xếp hạng được tổng hợp từ Scopus trong giai đoạn 2006 – 2010 và đánh giá tại đây [5]. Tại khu vực Đông Nam Á, trong 15 năm trở lại đây, Singapore liên tục là quốc gia đứng đầu về số lượng công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế. Ở Việt Nam, so sánh chỉ số xếp hạng của 04 đơn vị nghiên cứu hàng đầu với một số đơn vị nghiên cứu khoa học trên thế giới cũng như khu vực, có thể nhận thấy rằng: không những số lượng công trình công bố (O) của Việt Nam rất thấp mà tỉ lệ công trình có chất lượng cao (Q1) cũng ít hơn nhiều so với thế giới (bảng 1). Trong khi đó, tỉ lệ công trình công bố cần có sự hợp tác của quốc tế (IC) luôn ở mức cao ≥50% và chỉ số lãnh đạo (Leadership) thấp (trừ ĐHQG Tp Hồ Chí Minh). Theo ý kiến của chúng tôi, kết quả xếp hạng đã phản ánh nội lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn yếu so với thế giới; cơ chế, chiến lược cho nghiên cứu còn nhiều bất cập và ý thức về công bố quốc tế còn nhiều hạn chế. 

Bảng 1. So sánh chỉ số xếp hạng của 4 đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Hạng thế giới

Đơn vị

O

 

IC (%)

Q1 (%)

NI

Spec

Exc (%)

Leader-ship

1

Trung tâm NCKH, Pháp

202.854

50

58,4

1,3

0,5

15,8

  120.746

7

Viện sức khỏe quốc gia, Hoa Kỳ

47.684

35,2

84

2,3

0,7

27,9

  24.811

57

ĐHQG Singapore

27.089

44,3

60,6

1,6

0,5

19,7

  16.548

480

Đại học Chulalongkorn, Thái Lan

6.880

35

37,8

0,9

0,6

8,9

  4.696

483

ĐH Malaya, Malaysia

6.755

34,8

21,9

0,7

0,6

7,2

  4.954

2058

Viện KH&CN Việt Nam

1.216

69

41,4

0,8

0,8

6,8

  475

2774

ĐHQG Tp Hồ Chí Minh

720

50

26,9

1,3

0,9

16,1

  432

3155

ĐHQG Hà Nội

492

64,4

31,7

0,9

0,8

8,8

  221

3160

Trường ĐHBK Hà Nội

488

55,7

32,6

0,9

0,8

9,3

  252

NCKH: Nghiên cứu khoa học; ĐHQG: Đại học quốc gia; KH&CN: Khoa học và Công nghệ;
Tp: Thành phố; ĐHBK: Đại học Bách khoa. Nguồn: SCImago

 2. Công bố quốc tế trong lĩnh vực y học của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2011
Về lĩnh vực y học, theo tra cứu tại SCImago [6], trong giai đoạn 2006-2011 Việt Nam đã công bố 1734 công trình, nhiều hơn 383 công trình so với Indonesia (1341), nhưng chỉ bằng 1/6 số công trình của Malaysia (7.179 công trình) và bằng 1/9 của Thái Lan (10.711 công trình). Hình 1a cho thấy số lượng công trình công bố về y học của Việt Nam và Indonesia tăng chậm và có rất ít sự tiến bộ theo năm. Trong khi đó, năm 2006, số công trình của Malaysia về y học (715 công trình) chỉ tương đương ½ số công trình công bố của Thái Lan (1.457 công trình), tuy nhiên chỉ trong khoảng thời gian 05 năm từ 2007-2011, năng suất công bố quốc tế của Malaysia đã có sự chuyển biến vượt bậc khi gần đuổi kịp số lượng công trình công bố trong lĩnh vực này của Thái Lan (năm 2011, Malaysia công bố 2001 công trình so với 2088 công trình của Thái Lan). Điều đặc biệt,  hình 1b cho thấy rằng dù năng suất công bố công trình tăng nhanh nhưng phần lớn những nghiên cứu của Malaysia đều do nội lực, tỷ lệ hợp tác quốc tế luôn thấp hơn 35%, trong khi Thái Lan nằm trong khoảng 35-45%. Ngược lại, Indonesia và Việt Nam là hai nước có năng suất công bố quốc tế thấp nhất, nhưng phần lớn các công trình đều xuất phát từ sự hợp tác quốc tế, trong đó, Việt Nam có tỷ lệ hợp tác quốc tế cao nhất (>85%). 

Hình 1. Công bố quốc tế về y học củaViệt Nam so với một số nước Đông Nam Á trong giai đoạn 2006 - 2011: (a) Số lượng công trình, (b) tỷ lệ hợp tác quốc tế. Nguồn: SCImago

Dựa trên nguồn SCImago [6], chúng tôi phân tích hẹp hơn đối với chủ đề bệnh truyền nhiễm ở cả 4 nước đã so sánh ở trên trong giai đoạn 2006 – 2011, kết quả được mô tả trên hình 2. Thái Lan vẫn là nước dẫn đầu trong việc nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và có số lượng công trình công bố tăng nhanh theo từng năm, còn Việt Nam và Indonesia vẫn là những nước có năng suất công bố thấp nhất, không cải thiện nhiều sau 5 năm (hình 2a). Đáng lưu ý, năm 2006, Malaysia mới công bố được 9 công trình về bệnh truyền nhiễm, chỉ bằng 1/3 số công trình về chủ đề này của Việt Nam (28 công trình) và 1/10 của Thái Lan (88 công trình), nhưng chỉ sau 05 năm nước này đã có số lượng công trình công bố gần tương đương với Thái Lan. Cụ thể, năm 2011 Malaysia đã công bố được 158 công trình, gấp gần 6 lần so với Việt Nam (44 công trình) và chỉ thấp hơn 35 công trình so với Thái Lan (193 công trình). Cũng tương tự như lĩnh vực y học nói chung, Malaysia nghiên cứu về chủ đề bệnh truyền nhiễm dựa vào nội lực là chính (tỷ lệ hợp tác quốc tế chỉ ~31,6% năm 2011), trong khi đó, tỷ lệ hợp tác quốc tế về chủ đề này của Việt Nam luôn lớn hơn 90%, điển hình như năm 2009 lên tới 100% (hình 2b). Do vậy, nếu Việt Nam cần một mô hình hay chính sách phát triển nghiên cứu về y sinh học nói chung và bệnh truyền nhiễm nói riêng trong thời gian tới thì Malaysia là chính là nước mà chúng ta cần phải học tập.


Hình 2. Công bố quốc tế về bệnh truyền nhiễm của Việt Nam so với một số nước trong khu vực trong giai đoạn 2006 - 2011: (a) Số lượng công trình, (b) tỷ lệ hợp tác quốc tế. Nguồn: SCImago

3.      Công bố quốc tế của Viện VSDTTW giai đoạn 2006 – 2011.
Theo tra cứu trên nguồn Scopus [7], Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã công bố 220 công trình trong giai đoạn 2006-2011, tổng số lượt trích dẫn là 3002 tính đến tháng 12/2012, trung bình mỗi công trình được trích dẫn 14 lần. Theo nguồn ISI Web of Knowledge [8], số công trình công bố từ 2006 – 2011 là 118, tổng số lượt trích dẫn là 2258 tính đến 12/2012, trung bình  mỗi công trình được trích dẫn 19 lần.
Theo Scopus [7], các công trình nghiên cứu của Viện đã được công bố từ 2006 – 2011 trên 94 tạp chí khoa học quốc tế, tiêu biểu như tạp chí thuộc hệ thống PLOS (14 công trình); Vaccine (13 công trình); American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (13 công trình); Emerging Infectious Diseases (9 công trình); đặc biệt đã có 7 công trình được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín nhất của thế giới như: Nature, New England Journal of  Medicine, PNAS, Lancet, JAMA…

Hình 3. (a) Công bố quốc tế của Viện VSDTTW trong giai đoạn 2006 – 2011, (b) lĩnh vực công bố. Nguồn: Scopus


Lời cảm ơn:  Tác giả Trần Quang Huy xin chân thành cảm ơn tới Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn -Viện Garvan, Úc. Để thực hiện bài phân tích này tác giả đã học hỏi và tham khảo rất nhiều bài viết trên trang cá nhân của ông và những cuốn sách của ông đã được xuất bản.

LIỆU THAM KHẢO
[3]   Hirsch, J. E., 2005. An index to quantify an individual's scientific research output. PNAS 102 (46): 16569–16572
[7]   http://www.scopus.com/home.url 
[8] http://wokinfo.com

TIỆN ÍCH

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites