Xin giới thiệu với Quý độc giả bản tóm tắt bài phân tích về công bố quốc tế trong lĩnh vực y sinh học của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2011, đã đăng trên Tạp chí Y học dự phòng năm 2012.Bài viết chỉ nên được coi như là một bài trao đổi thông tin với những bạn đọc quan tâm về lĩnh vực nghiên cứu y sinh học trong nước.
CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC Y
SINH CỦA VIỆT NAM, 2006 - 2011
Trần
Quang Huy, Phan Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Hà, Đặng Đức Anh, Nguyễn Trần Hiển
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
GIỚI THIỆU
Công bố kết quả nghiên cứu
trên các tạp chí (có bình duyệt) là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà khoa học,
đây được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá tiềm lực khoa học
của mỗi một quốc gia cũng như mỗi đơn vị nghiên cứu. Hơn nữa, quá trình
toàn cầu hóa đang diễn ra một cách rất nhanh chóng trong thế kỷ thứ 21, đặc biệt
sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến sự giao lưu giữa các nhà khoa
học, các nền khoa học, khả năng tiếp cận các kho tàng tri thức trên khắp thế giới
trở nên rất thuận tiện. Sự hội nhập quốc tế về khoa học bằng cách công bố những
công trình nghiên cứu trong nước trên các tạp chí quốc tế chính là một yêu cầu
cấp thiết cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hiện nay, đa
phần kết quả nghiên cứu trong nước đều công bố trên những tạp chí xuất bản bằng
tiếng Việt, do vậy, gây ra những khó khăn trong việc tra cứu thông tin cũng như quảng
bá nền khoa học của Việt Nam ra thế giới [1]. Mặt khác, quy trình bình duyệt (peer-review) nội
dung bài báo trong nước thường không chặt chẽ dẫn đến khó đánh giá được chất lượng
của công trình nghiên cứu cũng như xếp loại được tạp chí khoa học. Chính vì vậy,
công bố quốc tế không những giới thiệu được kết quả nghiên cứu trong nước đến
các nhà khoa học quốc tế, đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại, mà còn
giúp cho các nhà khoa học mở rộng cơ hội để trao đổi hợp tác, nâng cao trình độ
và đặc biệt là nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế, góp
phần vào công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ chủ quyền và cải thiện chất lượng
cuộc sống cũng như sức khỏe nhân dân.
Gần
đây, một số đơn vị nghiên cứu trong nước đã chú ý đến việc khuyến khích các nhà
khoa học trẻ chủ động công bố những kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí quốc
tế có bình duyệt, đặc biệt, sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ
Quốc gia (NAFOSTED) đã góp phần thúc đẩy nhận thức về trách nhiệm của các nhà
khoa học trong nước đối với việc công bố quốc tế [2]. Tuy nhiên, đơn vị này
vẫn chủ yếu dựa vào số lượng công trình công bố mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng công
trình cũng như mức độ ảnh hưởng của tạp chí đăng tải. Trên thế giới, ISI (Institute
of Scientific Information, Thomson Reuters) là đơn vị uy tín bậc nhất được các nhà khoa học
quốc tế sử dụng để đánh giá chất lượng, sàng lọc và xếp loại các công trình /tạp
chí khoa học. Chỉ số thường được sử dụng trong hệ thống ISI để đánh giá chất lượng
của một tạp chí khoa học như: 1- hệ số ảnh hưởng (impact factor-IF), đây là hệ
số giữa lượt trích dẫn/số công trình xuất bản của mỗi tạp chí tính theo hai năm
trước đó; 2- chỉ số H (H-index, hay Hirsch index), là chỉ số tính theo số lượng
(n) công trình được được trích dẫn
nhiều nhất (≥n lần) trong tổng số
công trình đã công bố [3]. Chỉ số H cũng được sử dụng để đánh giá năng suất và mức độ
ảnh hưởng của một nhà khoa học, một đơn vị nghiên cứu hay một lĩnh vực nghiên cứu.
Theo Hirsch [3]
và phân tích của GS. Nguyễn Văn Tuấn [4], "một nhà khoa học với chỉ số H = 12
nên được xem là đủ tiêu chuẩn là biên chế giảng viên đại học (tenure). Một nhà
khoa học với chỉ số H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học
thành công (successful); một chỉ số H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là
xuất sắc (outstanding), thường hay thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên
cứu đẳng cấp quốc tế; một chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là
thật sự cá biệt (truly unique). Người có chỉ số H khoảng 12 có thể xem tương
đương với giảng viên (lecturer hay senior lecturer), và người có chỉ số H khoảng
18 trở lên có thể xem tương đương với đẳng cấp giáo sư. Phân tích chỉ số H của
các nhà khoa học từng chiếm giải Nobel cho thấy chỉ số H trung bình của họ là
41 với độ lệch chuẩn 15. Một số nhà khoa học nổi tiếng hiện nay thường có chỉ số
H trên 100. Tuy nhiên, chỉ số H của các nhà khoa học Việt Nam chỉ dao động
trong khoảng 2 đến 31, phần lớn là dưới 10".
Ngoài
ra, có nhiều tiêu chí khác để đánh giá chất lượng của một tạp chí khoa học, một
cơ sở nghiên cứu hay nền khoa học của một quốc gia, tuy nhiên, mối quan hệ giữa
mức độ ảnh hưởng (số trích dẫn) và số công trình công bố vẫn luôn là tiêu chí
quan trọng nhất. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Scopus (quản lý nguồn dữ liệu của
hơn 5000 nhà xuất bản trên thế giới), SCImago đang nổi lên là tổ chức đánh giá năng
lực và chất lượng nghiên cứu có uy tín đối với tạp chí khoa học, đơn vị nghiên
cứu hay quốc gia [5,6]. SCImago đã đưa ra 7 chỉ số để đánh giá chất lượng của một
đơn vị nghiên cứu, bao gồm: 1 - O
(output): tổng số công trình công bố được tìm thấy trên Scopus; 2 - IC (International Cooperation): số lượng
nghiên cứu hợp tác quốc tế; 3 - NI
(Normalized Impact): giá trị (%) ảnh hưởng bình quân của một đơn vị so với giá
trị bình quân về khoa học của thế giới; 4 - Q1 (High Quality Publications): số lượng công trình có chất lượng
cao; 5 - Spec (Specification Index):
chỉ số chuyên biệt hóa của các công trình công bố của mỗi đơn vị; 6 - Exc (Excellent Rate): số lượng công
trình (%) của mỗi đơn vị nằm trong 10% công trình được trích dẫn nhiều nhất
trong mỗi lĩnh vực khoa học; 7 - Leadership
(Scientific Leadership): chỉ số lãnh đạo thể hiện số lượng công trình công bố của
đơn vị có trách nhiệm chính.
KẾT QUẢ PHÂN TÍCH
1. Vị thế công bố quốc tế của các đơn vị
nghiên cứu của Việt Nam
Theo bảng xếp hạng của SCImago năm
2012 về năng lực nghiên cứu của 3290 đơn vị nghiên cứu/106 nước, Việt Nam chỉ
có 04 đơn vị được xếp hạng bao gồm: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (xếp thứ
2058), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ( xếp thứ 2774), Đại học Quốc gia
Hà Nội (xếp thứ 3155) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 3160); trong
khi đó Thái Lan có 18 đơn vị, Malaysia có 17 đơn vị và Singapore có 12 đơn vị
được xếp hạng. Số liệu công trình công bố của mỗi đơn vị để xếp hạng được tổng
hợp từ Scopus trong giai đoạn 2006 – 2010 và đánh giá tại đây [5]. Tại khu vực
Đông Nam Á, trong 15 năm trở lại đây, Singapore liên tục là quốc gia đứng đầu về
số lượng công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế. Ở Việt Nam, so sánh chỉ
số xếp hạng của 04 đơn vị nghiên cứu hàng đầu với một số đơn vị nghiên cứu khoa
học trên thế giới cũng như khu vực, có thể nhận thấy rằng: không những số lượng
công trình công bố (O) của Việt Nam
rất thấp mà tỉ lệ công trình có chất lượng cao (Q1) cũng ít hơn nhiều so với thế giới (bảng 1). Trong khi đó, tỉ lệ
công trình công bố cần có sự hợp tác của quốc tế (IC) luôn ở mức cao ≥50% và chỉ số lãnh đạo (Leadership) thấp (trừ ĐHQG Tp Hồ Chí Minh). Theo ý kiến của chúng
tôi, kết quả xếp hạng đã phản ánh nội lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn yếu
so với thế giới; cơ chế, chiến lược cho nghiên cứu còn nhiều bất cập và ý thức
về công bố quốc tế còn nhiều hạn chế.
Bảng 1. So sánh chỉ số xếp hạng của 4 đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Việt
Nam
và thế giới.
Hạng thế giới
|
Đơn vị
|
O
|
IC (%)
|
Q1 (%)
|
NI
|
Spec
|
Exc (%)
|
Leader-ship
|
1
|
Trung tâm NCKH, Pháp
|
202.854
|
50
|
58,4
|
1,3
|
0,5
|
15,8
|
120.746
|
7
|
Viện sức khỏe quốc gia, Hoa Kỳ
|
47.684
|
35,2
|
84
|
2,3
|
0,7
|
27,9
|
24.811
|
57
|
ĐHQG Singapore
|
27.089
|
44,3
|
60,6
|
1,6
|
0,5
|
19,7
|
16.548
|
480
|
Đại học Chulalongkorn, Thái Lan
|
6.880
|
35
|
37,8
|
0,9
|
0,6
|
8,9
|
4.696
|
483
|
ĐH Malaya,
Malaysia
|
6.755
|
34,8
|
21,9
|
0,7
|
0,6
|
7,2
|
4.954
|
2058
|
Viện KH&CN Việt Nam
|
1.216
|
69
|
41,4
|
0,8
|
0,8
|
6,8
|
475
|
2774
|
ĐHQG Tp Hồ Chí Minh
|
720
|
50
|
26,9
|
1,3
|
0,9
|
16,1
|
432
|
3155
|
ĐHQG Hà Nội
|
492
|
64,4
|
31,7
|
0,9
|
0,8
|
8,8
|
221
|
3160
|
Trường ĐHBK Hà Nội
|
488
|
55,7
|
32,6
|
0,9
|
0,8
|
9,3
|
252
|
NCKH: Nghiên cứu khoa học; ĐHQG: Đại học quốc gia; KH&CN: Khoa học và
Công nghệ;
Tp: Thành phố; ĐHBK: Đại học Bách khoa. Nguồn: SCImago
2. Công
bố quốc tế trong lĩnh vực y học của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2011
Về
lĩnh vực y học, theo tra cứu tại SCImago [6], trong giai đoạn 2006-2011 Việt
Nam đã công bố 1734 công trình, nhiều hơn 383 công trình so với Indonesia
(1341), nhưng chỉ bằng 1/6 số công trình của Malaysia (7.179 công trình) và bằng
1/9 của Thái Lan (10.711 công trình). Hình 1a cho thấy số lượng công trình công
bố về y học của Việt Nam và Indonesia tăng
chậm và có rất ít sự tiến bộ theo năm. Trong khi đó, năm 2006, số công trình của
Malaysia về y học (715 công trình) chỉ tương đương ½ số công trình công bố của
Thái Lan (1.457 công trình), tuy nhiên chỉ trong khoảng thời gian 05 năm từ 2007-2011,
năng suất công bố quốc tế của Malaysia đã có sự chuyển biến vượt bậc khi gần đuổi
kịp số lượng công trình công bố trong lĩnh vực này của Thái Lan (năm 2011,
Malaysia công bố 2001 công trình so với 2088 công trình của Thái Lan). Điều đặc
biệt, hình 1b cho thấy rằng dù năng suất
công bố công trình tăng nhanh nhưng phần lớn những nghiên cứu của Malaysia đều do
nội lực, tỷ lệ hợp tác quốc tế luôn thấp hơn 35%, trong khi Thái Lan nằm trong
khoảng 35-45%. Ngược lại, Indonesia và Việt Nam là hai nước có năng suất công bố
quốc tế thấp nhất, nhưng phần lớn các công trình đều xuất phát từ sự hợp tác quốc
tế, trong đó, Việt Nam có tỷ lệ hợp tác quốc tế cao nhất (>85%).
Hình 1. Công bố quốc tế về y học củaViệt
Nam so với một số nước Đông Nam Á trong
giai đoạn 2006 - 2011: (a) Số lượng công trình, (b) tỷ lệ hợp tác quốc tế. Nguồn: SCImago
Dựa trên nguồn SCImago [6], chúng
tôi phân tích hẹp hơn đối với chủ đề bệnh truyền nhiễm ở cả 4 nước đã so sánh ở
trên trong giai đoạn 2006 – 2011, kết quả được mô tả trên hình 2. Thái Lan vẫn
là nước dẫn đầu trong việc nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và có số lượng công
trình công bố tăng nhanh theo từng năm, còn Việt Nam
và Indonesia
vẫn là những nước có năng suất công bố thấp nhất, không cải thiện nhiều sau 5
năm (hình 2a). Đáng lưu ý, năm 2006, Malaysia mới công bố được 9 công trình về
bệnh truyền nhiễm, chỉ bằng 1/3 số công trình về chủ đề này của Việt Nam (28 công
trình) và 1/10 của Thái Lan (88 công trình), nhưng chỉ sau 05 năm nước này đã
có số lượng công trình công bố gần tương đương với Thái Lan. Cụ thể, năm 2011
Malaysia đã công bố được 158 công trình, gấp gần 6 lần so với Việt Nam (44 công
trình) và chỉ thấp hơn 35 công trình so với Thái Lan (193 công trình). Cũng tương
tự như lĩnh vực y học nói chung, Malaysia nghiên cứu về chủ đề bệnh truyền nhiễm
dựa vào nội lực là chính (tỷ lệ hợp tác quốc tế chỉ ~31,6% năm 2011), trong khi
đó, tỷ lệ hợp tác quốc tế về chủ đề này của Việt Nam luôn lớn hơn 90%, điển
hình như năm 2009 lên tới 100% (hình 2b). Do vậy, nếu Việt Nam cần một mô hình hay
chính sách phát triển nghiên cứu về y sinh học nói chung và bệnh truyền nhiễm
nói riêng trong thời gian tới thì Malaysia là chính là nước mà chúng ta cần phải
học tập.
Hình 2. Công bố quốc tế về bệnh truyền
nhiễm của Việt Nam so với một số nước trong khu vực trong giai đoạn 2006 -
2011: (a) Số lượng công trình, (b) tỷ lệ hợp tác quốc tế. Nguồn: SCImago
3.
Công
bố quốc tế của Viện VSDTTW giai đoạn 2006 – 2011.
Theo
tra cứu trên nguồn Scopus [7], Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã công bố 220
công trình trong giai đoạn 2006-2011, tổng số lượt trích dẫn là 3002 tính đến
tháng 12/2012, trung bình mỗi công trình được trích dẫn 14 lần. Theo nguồn ISI Web
of Knowledge [8], số công trình công bố từ 2006 – 2011 là 118, tổng số lượt trích
dẫn là 2258 tính đến 12/2012, trung bình
mỗi công trình được trích dẫn 19 lần.
Theo
Scopus [7], các công trình nghiên cứu của Viện đã được công bố từ 2006 – 2011
trên 94 tạp chí khoa học quốc tế, tiêu biểu như tạp chí thuộc hệ thống PLOS (14
công trình); Vaccine (13 công trình); American Journal of Tropical Medicine and
Hygiene (13 công trình); Emerging Infectious Diseases (9 công trình); đặc biệt
đã có 7 công trình được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín nhất của thế giới
như: Nature, New England Journal of
Medicine, PNAS, Lancet, JAMA…
Hình 3. (a) Công bố quốc tế của Viện VSDTTW trong giai đoạn 2006 – 2011,
(b) lĩnh vực công bố. Nguồn: Scopus
Lời cảm ơn: Tác giả Trần Quang Huy xin chân thành cảm ơn tới Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn -Viện Garvan, Úc. Để thực hiện bài phân tích này tác giả đã học hỏi và tham khảo rất nhiều bài viết trên trang cá nhân của ông và những cuốn sách của ông đã được xuất bản.
LIỆU THAM KHẢO
[3]
Hirsch, J. E., 2005. An index to quantify an
individual's scientific research output. PNAS 102 (46):
16569–16572