Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thế giới vi rút dưới ống kính hiển vi

Nhiều loại virus nguy hiểm gây bệnh cho người được các nhà khoa học tái hiện một cách sinh động dưới ống kính hiển vi và công nghệ xử lý 3D.

Virus HIV (Human Immunodeficiency Virus) làm hệ miễn dịch của con người suy giảm, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh, đe dọa mạng sống của người nhiễm virus.

Virus viêm gan C (Hepatitis C) là một trong những nguyên nhân gây viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan.

Virus cúm (Influenza Virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae. Đây là tác nhân gây bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho nặng và kéo dài, có thể có các triệu chứng đường tiêu hóa. 

Coronavirus là tên một loại virus nguy hiểm được cho là giống với virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS.
 Virus Dengue gây sốt xuất huyết ở người thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes Aegyptiv.

Nguyên nhân gây bệnh sởi ở người, virus Measles. Đặc trưng của bệnh sởi là phát ban dạng sẩn, xuất hiện từ cổ, ngực, tay, chân, thân kèm theo sốt cao.

Virus đậu mùa (Smallpox). Đậu mùa gây bệnh trong các mạch máu nhỏ trên da, miệng và cổ họng. Ở vùng da, bệnh đậu mùa gây ra các vết ban nổi sần đỏ đặc trưng, sau đó da bị phồng rộp với những vết sần chứa nước.

Virus gây bệnh bại liệt Poliovirus. Khi nhiễm vào cơ thể, Poliovirus lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ và gây bại liệt

Virus West Nile (WNV) là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não. Loại virus này được phát hiện ở Uganda, một quốc gia thuộc Trung Phi, vào năm 1937.

Hình ảnh của virus gây bệnh sốt vàng (Yellow Fever Virus), thường thấy ở châu Phi và Nam Mỹ. 


Virus cúm lợn (Swine Flu Virus). Những người tiếp xúc với lợn có nguy cơ nhiễm loại virus này nếu động vật mang loại biến thể virus có thể gây nhiễm sang người.
Thùy Linh (Theo Huffington Post)

 

Những ứng dụng của nano bạc trong đời sống

(Hóa học ngày nay-H2N2)-Từ lâu loài người đã biết đến tác dụng sát khuẩn mạnh của bạc, những chén bát, thìa nĩa, nồi niêu của người La Mã cổ, của các vua chúa phong kiến và ngay cả chiếc bi đông nhôm tráng bạc của anh chiến sĩ giải phóng đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên tác dụng này không được ứng dụng rộng rãi vì nếu dùng bạc khối hay phủ bạc khối cũng là quá đắt. Qua việc nấu ăn của người Hy Lạp cổ đại bằng nồi bạc, có thể thấy hàng nghìn năm qua, con người đã biết tính chất kháng khuẩn của bạc, và thực tế cho thấy khi ăn bằng bát hoặc thìa bạc thì hợp vệ sinh hơn.

>>> Ứng dụng công nghệ nano trong thực phẩm
Những năm gần đây, công nghệ nano ra đời không những tạo nên bước nhảy đột phá trong ngành điện tử, tin học, y sinh học mà còn được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, gạc chữa bỏng được phủ nano bạc, nước rửa rau sống, chất diệt khuẩn khử mùi trong máy lạnh.
Nano mét là một đơn vị đo lường chiều dài cực nhỏ, ký hiệu là nm, bằng 1 phần triệu mm. Qua nghiên cứu thấy rằng, do sự tăng lên của nguyên tử bề mặt nên so với bạc khối, tác dụng sát khuẩn của các hạt bạc siêu nhỏ có kích thước nano được nhân lên gấp bội, 1 gam nano bạc có thể sát khuẩn cho hàng trăm mét vuông chất nền. Bằng cách nào mà chúng lại có thể diệt được vi khuẩn, virus? Tất cả các vi sinh vật đều sử dụng enzym để hấp thu, chuyển hóa ô xy và các ion bạc đã phá hủy enzym khiến cho chúng bị "ngạt thở".
Một số tính chất đặc trưng của nano bạc
Vì nano bạc ở trạng thái keo (colloid), không phải dạng ion như thường gặp, mà tồn tại ở dạng bạc nguyên tố nên không bị thất thoát trong khi chùi rửa. Trong khi ứng dụng sản phẩm chỉ cần một phần bạc rất nhỏ để kháng khuẩn. Khả năng kháng khuẩn có tác dụng suốt quá trình tồn tại của sản phẩm .

1. Ứng dụng của Nano bạc vào sản phẩm ở nồng độ rất thấp. Ngay khi chúng ta ăn các sản phẩm có chứa Nano bạc, thì hàm lượng Nano bạc cũng không thể cao hơn định mức WHO đã đưa ra (5 mỉcrogram bạc/kg trọng lượng cơ thể/ngày, hay khoảng 1 lít keo bạc nồng độ 10 ppm/tháng cho một người nặng 66 kg - Lansdown, 2006). Hàm lượng Nano bạc tiết ra ngoài dùng diệt khuẩn so ra thấp hơn định mức của WHO ở vào cấp lũy thừa.

2. Như đã nói, sản phẩm có chứa Nano bạc được đưa vào sản phẩm qua qui trình nóng chảy của nhựa, điều khiến sự thất thóat qua sự chà sát (vật lý) không thể xảy ra. Mọi tác động chà sát bào mòn gây thất thóat ở cấp độ lớn hơn cấp Nano.

3. Nano bạc ở dạng colloid có tính chất làm ảnh hưởng đến màu sắc của sản phẩm. Thí dụ sản phẩm trắng trong  sẽ trở nên hơi có màu beige, trắng tự nhiên, hoặc màu như rượu champagne. Đối với các màu vàng , cam, xanh lợt vân vân .. thì không bị ảnh hưởng. Có thể xảy ra hiện tượng màu cơ bản bị biến đổi , tuy nhiên không nhất thiết phải xảy ra hiện tượng này. Bù lại sản phẩm sẽ không bị vàng ố, tức là không có sự thay đổi màu qua ánh sáng hoặc qua các qui trình giặt giũ ..

4. Lệ thuộc vào diện tích lớn của các sản phẩm sợi, như micro fiber .. chúng ta cần cho mỗi sản phẩm những thong số khác nhau, tuy nhiên hàm lượng Nano bạc sẽ vẫn thấp hơn 0,05 – 0,5 phần ngàn (0/00) Đối với các thùng chứa, chai, bình, thông số lại hòan tòan khác hẳn. Nồng độ Nano bạc từ 0,2-0,5 phần ngàn (0/00) là chuẩn, tuy nhiên vẫn còn lệ thuộc các yếu tố sản xuất khác ...
Ứng dụng nano bạc trong các thiết bị gia dụng
Ứng dụng các phân tử bạc (công nghệ Nano Silver) để khử khuẩn trong đồ dùng gia đình đang được nhiều hãng sản xuất lựa chọn do đảm bảo được sự an toàn về sức khoẻ.
nano_bac
Công ty truyền thông Archi - Công nghệ Nano Silver trong các thiết bị gia dụng
Ngày càng nhiều thiết bị gia dụng sử dụng công nghệ Nano Silver để diệt khuẩn.

Hiện nay, tính năng khử khuẩn bằng phân tử bạc đã được ứng dụng vào nhiều loại thiết bị gia dụng như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt,... và một số dụng cụ đựng thực phẩm như bình sữa trẻ em, bát đĩa, máy khử độc hoa quả…

Dù việc sử dụng những thiết bị gia dụng ứng dụng các loại công nghệ diệt khuẩn đang trở thành “mốt” trong thời buổi ô nhiễm như hiện nay, nhưng nhiều người vẫn lo ngại liệu công nghệ này có ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài hay không?

Đã có một số cảnh báo cho rằng các phân tử có kích cỡ nano rất dễ bị phá vỡ cấu trúc, xâm nhập vào màng tế bào gây nên những biến đổi sinh lý khó lường.

Tuy nhiên, tính năng diệt khuẩn bằng công nghệ Nano Silver được các chuyên gia đầu ngành tại viện nghiên cứu khoa học Vật lý và viện Dinh Dưỡng khẳng định là không ảnh hướng tới thực phẩm, sức khỏe và không phải là chất chất độc hại đối với da hay hệ hô hấp của con người.

Ion bạc sử dụng cho dụng cụ đựng thực phẩm chỉ là một lớp tráng các phân tử bạc mỏng trên bề mặt của đồ dùng. Lớp bạc này sẽ chống lại sự xâm nhập và tiêu diệt các loại vi khuẩn. Tất nhiên điều này không có nghĩa là thức ăn sẽ được bảo vệ hoàn toàn 100% khỏi vi khuẩn khi sử dụng các thiết bị này.

Công ty truyền thông Archi - Công nghệ Nano Silver trong các thiết bị gia dụng
Nano_Silver












Minh họa sự hoạt động của các ion Ag, ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn.

Đối với các thiết bị gia dụng lớn như máy giặt và máy khử độc thực phẩm thường sử dụng những thanh bạc lớn nguyên chất, có khu vực để riêng biệt và được điện phân dung dịch thành hàng tỉ các ion bạc mỗi lần giặt/xả.

Chúng sẽ theo dòng nước bám vào các bề mặt thực phẩm hay vải vóc để "tiêu diệt" vi khuẩn hoặc nấm mốc, ngăn ngừa sự xâm nhập trở lại sau nhiều ngày. Những thanh bạc này có tuổi thọ lên đến 10 năm sử dụng liên tục.

Với tủ lạnh và điều hòa, máy lọc không khí, nguyên lý hoạt động của công nghệ phân tử bạc là như nhau vì các ion bạc không được điện phân ra ngoài như trong máy giặt mà chúng được khử trực tiếp khi không khí bị hút vào hệ thống lọc này.

Hệ thống lọc sẽ không cho phép các ion bạc được thoát ra ngoài môi trường, chúng làm nhiệm vụ cô lập những phân tử bụi và vi khuẩn đi theo không khí vào trong, trả lại môi trường (tủ lạnh hay căn phòng) một làn không khí trong lành, có lợi cho sức khỏe hoặc giúp thực phẩm tươi ngon hơn.

Ngoài ra thì một số dòng tủ lạnh không sử dụng hệ thống lọc khí khử khuẩn, mà dùng những lớp tráng ion bạc trực tiếp lên bề mặt bên trong tủ, cũng có tác dụng diệt khuẩn khi vi khuẩn "va chạm" với các bề mặt đó.
Ứng dụng nano bạc trong sản suất hàng tiêu dùng
Việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng bằng kim loại bạc nguyên chất hoặc phủ chúng bằng bạc là rất đắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, pha các nguyên liệu khác với hạt nano bạc là một phương pháp thích hợp để khai thác tính chất của bạc. Các hạt nano siêu nhỏ thể hiện các tính chất khác biệt hoặc nổi bật hơn so với nguyên liệu dạng macro. Các hạt nano siêu nhỏ làm cho các hạt có diện tích bề mặt lớn cân đối với khối lượng của chúng. Trường hợp bạc ở dạng hạt nano, cho phép chúng tương tác dễ dàng với các hạt khác và tăng hiệu quả kháng khuẩn. Hiệu quả này lớn tới mức 1 gam hạt nano bạc có thể tạo tính chất kháng khuẩn tới hàng trăm mét vuông chất nền. Hiện nay, các sản phẩm làm bằng những hạt nano bạc đã được các cơ quan FDA,  EPA của Mỹ, SIAA của Nhật Bản... chính thức phê chuẩn.
Tất cả vi khuẩn sử dụng enzym như một lớp  “phổi hóa học” để chuyển hóa oxy. Các ion bạc phân hủy enzym và ngăn chặn quá trình hút oxy. Tác động này làm chết tất cả các vi khuẩn, tiêu diệt chúng trong vòng 6 phút. Các vi rút phát triển bằng cách kí sinh trong tế bào sống khác và đưa vào nhân mới để tái tạo và nhân bản, còn tế bào sẽ bị bệnh. Các ion bạc còn ngăn oxy đưa vào tế bào sản sinh ra vi rút và chúng chết do nghẹt thở.
Thuốc kháng sinh có thể được dùng để tiêu diệt các mầm bệnh do các hạt nano bạc tấn công nhưng vi khuẩn và vi rút đang ngày càng trở nên kháng lại các điều trị bằng thuốc. Các hạt nano bạc tiêu diệt tất cả các bệnh nhiễm nấm, vi khuẩn và vi rút, kể cả các chủng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, không phải các loại thuốc kháng sinh đều có hiệu quả đối với tất cả các loại vi khuẩn. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, vi khuẩn không thể phát triển bất kỳ khả năng miễn dịch nào đối với bạc. Bạc xuất hiện một cách tự nhiên, không độc, không dị ứng, không tích tụ và vô hại đối với cả động vật hoang dã và môi trường.
Hiện nay, các nhà sản xuất đã sản xuất các hàng tiêu dùng sử dụng tính chất kháng khuẩn của các hạt nano bạc như tủ lạnh, điều hòa và máy giặt. Ngoài ra các loại đồ chơi, quần áo, hộp đựng thực phẩm, chất tẩy quần áo cũng đã sử dụng nano bạc. Một số ứng dụng tiềm năng khác của các hạt nano bạc cũng đang được xem xét áp dụng trong mô cấy sinh học, băng vết thương, v.v...
Ngoài ra, hiện nay nano bạc còn ứng dụng sản xuất sợi nhân tạo dùng dệt vải, khăn quần áo có chức năng kháng khuẩn, chống hôi. Trong lĩnh vực hóa học polimer để sản xuất PET, PP, PA, các hại nhựa sẽ được trộn chung vào các hạt nhựa không chứa  Nano bạc khác trong quá trình sản xuất, kéo sợi. Nano bạc không chỉ tẩm, phủ lên bề mặt mà được đưa vào trong sản phẩm qua qui trình nóng chảy dùng sản xuất tấm ra trải giường, khăn lau chén, bát, thảm trải nền nhà, túi bọc tấm đệm giường, quần áo (tạp dề, vớ (tất), t-shirts … ) cũng như các sản phẩm vệ sinh khác như quần áo cho bệnh viện, quần áo bảo vệ, khẩu trang. Ngoài ra, nano bạc còn dùng trong các qui trình sản xuất khác như sản xuất nhựa nhiệt dẻo, qui trình phun ép các bộ phận, các bình chứa, chai .. hoặc ống nhựa dẫn chất lỏng , nước.
Nguồn Anphusaigon/Hoahocngaynay.com

Tham khảo thêm
Lansdown AB (2006). "Silver in health care: antimicrobial effects and safety in use". Current Problems in Dermatology. Current Problems in Dermatology 33: 17–34

Thế giới qua lăng kính hiển vi điện tử

Một bộ sưu tập các bức ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) đã được cây bút khoa học Brandon Broll chọn đưa vào một cuốn sách nhan đề Microcosmos (tạm dịch: Vũ trụ vi mô). Vạn vật trong những bức ảnh này, từ côn trùng tới các bộ phận cơ thể người, đều hiện lên tuyệt đẹp và sống động. 
 
Bức ảnh đáng kinh ngạc này chụp một con kiến Formica fusca chuyên sống ở rừng hoặc vùng có cây thạch nam, đang ngậm một vi mạch. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Bề mặt của một vi mạch silicon EPROM. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Đây là những sợi lông mày phát triển trên mặt người. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Ảnh chụp bề mặt quả dâu tây. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Đây là bức ảnh chụp vi khuẩn trên bề mặt lưỡi người. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Tinh trùng trong tinh dịch đàn ông qua lăng kính hiển vi điện tử SEM. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Bụi trong nhà bao gồm cả sợi lông mèo, sợi len và sợi tổng hợp bện xoắn, vảy cánh côn trùng có răng cưa, một hạt phấn hoa và một phần thân cây. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Cận cảnh một mối dệt của bít tất ny lông. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Đầu của một con muỗi. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Bào tử nấm. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

 
Một tinh thể can-xi phốt phát. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media
Một tinh thể can-xi phốt phát. Ảnh: Science Photo Library/Barcroft Media

  • Thanh Bình (Tổng hợp)
Theo vietnamnet.vn

Maivietbio thăm và làm việc tại Trung tâm Kính hiển vi điện tử tại NIHE Hà Nội

Maivietbio thăm và làm việc tại Trung tâm Kính hiển vi điện tử tại NIHE Hà Nội





Kính hiển vi điện tử tại Viện NIHE Hà Nội

Nhằm nghiên cứu phân tử độc tố Cry của chế phẩm vi sinh Bti diệt lăng quăng muỗi, Maivietbio đã liên hệ, thăm và làm việc TT Kính hiển vi điện tử tại Viện vệ Sinh Dịch tễ học Trung Ương. Hợp tác được thống nhất là sẽ chụp cắt lớp chủng vi khuẩn Bacillus thuringiensis var israellensis để khảo sát phân tử độc tố Cry của chủng. Phân tử Cry quyết định tính độc của Bti diệt lăng quăng muỗi.
Ngoài ra một số hợp tác khác về vi sinh miễn dịch cũng được đưa ra thảo luận sẽ nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử quét đối với một số liên kết miễn dịch trong các test kit chẩn đoán.

TS. BS. Đỗ Thị Thoa và ThS. Nguyễn Thanh Thủy và  KHVĐT, Viện NIHE


Quan sát mẫu  vật hình ảnh nhân lên của vi rút cúm H1N1 trên nuôi cấy tế bào


ThS. Nguyễn Thanh Thủy  trưởng phòng KHVĐT, Viện NIHE. Khảo sát vi khuẩn cơ hội trong bệnh loét dạ dày-tá tràng trên KHVĐT quét







------------
maivietbio

Giải mã quá trình phân chia của vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu Đại học Duke mới đây đã đạt được bước tiến lớn trong việc tìm hiểu cơ chế phân chia của vi khuẩn. Thành công này có thể đem lại những phương pháp điều trị bằng kháng sinh mới ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi.
Xem hình
Sự phân chia vi khuẩn (Ảnh: microscopy-uk.org)
Thông thường vi khuẩn phân chia bằng cách hình thành một vách ngăn tách tế bào thành hai. Vách ngăn này được gọi là “vành Z” đặt theo tên protein FtsZ hình thành một dàn hình tròn rồi sau đó thu hẹp dần. Ở vi khuẩn, vành Z cũng có chứa hàng chục các loại protein khác. Tất cả đều có vai trò quan trọng đối với quá trình phân chia. 

Vành Z thường hình thành ở màng tế bào bằng cách kết hợp với protein FtsA có một đầu gắn với lớp màng bên trong còn đầu kia gắn với protein FtsZ. Khi vành Z co lại, nó kéo theo cả màng tế bào và tách vi khuẩn thành hai. Tiến sĩ khoa học nghiên cứu sinh học tế bào Masaki Osawa đã tiến hành tách FtsA ra khỏi hệ thống phân chia này bằng cách tạo ra FtsZ có thể gắn kết trực tiếp với màng tế bào. Protein này có tên “FtsZ gắn màng” hay FtsZ-mts. Đầu tiên, Osawa chứng minh rằng protein mới, FtsZ-mts, có cấu trúc giống với vành Z của vi khuẩn. Sau đó ông tạo nên một hệ thống phân chia tế bào đơn giản hóa trong giọt dầu cực nhỏ được gọi là liposome nhằm mô tả tầm quan trọng của FtsZ trong quá trình phân chia. Ông đã tạo được vành Z trong hệ thống nhân tạo hoàn toàn này – chính là giọt chất béo nhỏ xíu liposome mô phỏng màng tế bào trong tự nhiên. Để làm được điều này, Osawa đã trộn lẫn liposome với FtsZ và GTP – phân tử cung cấp năng lượng. Trên tiêu bản kính hiển vi, liposome chảy ra và biến đổi hình dáng trong ống nghiệm mô phỏng hình dáng của vi khuẩn E. coli và các loại vi khuẩn hình gậy khác. Đồng tác giả của nghiên cứu Harold Erickson – giáo sư sinh học tế bào – cho biết: “Đây là một sự trùng hợp đáng mừng khi kích cỡ cũng như hình dạng của liposome tương tự với các vi khuẩn hình gậy. Những giọt liposome hình ống này là những cấu trúc siêu nhỏ, sự hình thành của chúng vẫn còn là bí ẩn”. Trong suốt quá trình thí nghiệm, FtsZ-mts gắn nhãn huỳnh quang ban đầu được đặt bên ngoài liposome, nhưng một số liposome hình ống lại gắn kết với FtsZ ở bên trong. “Chúng tôi không hiểu điều này xảy ra như thế nào, nhưng đây chính là điểm mấu chốt cần phải khám phá”, Osawa nói. Bên trong liposome, FtsZ hình thành nhiều vành đai khép kín xếp theo hàng vuông góc với chiều dài của liposome giống như sự hình thành các vành Z ở vi khuẩn. Chúng cũng trượt lên trượt xuống, khi gặp nhau chúng gắn kết lại và hình thành những vành đai sáng rõ hơn. Khi các vành Z sáng lên, hiển nhiên chúng sẽ kéo thành liposome vào bên trong. “Vành Z rõ ràng đã tạo lực khiến tế bào co lại”. Nhóm nghiên cứu đã làm một đoạn phim về sự co lại của thành tế bào xảy ra ở những điểm có vành Z sáng rõ. Khi GTP trong liposome sử dụng hết, liposome hình ống không co lại nữa mà quay trở lại hình dáng ban đầu. Theo Erickson, “Chúng tôi tin rằng hệ thống đơn giản này có thể tái tạo cơ chế mà những vi khuẩn hình thành sớm nhất đã sử dụng để phân chia. Lúc đó có thể chúng chỉ có FtsZ. Thí nghiệm của Osawa chứng minh rằng FtsZ – sợi dây gắn vào màng tế bào – và bề mặt bên trong của màng tế bào đều cần thiết để tạo vàng Z đồng thời tạo ra lực co”. Osawa nhấn mạnh: “Vành Z nhân tạo không đủ mạnh để tách giọt liposome thành hai, có lẽ do thành liposome dày hơn nhiều so với màng tế bào của vi khuẩn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tạo ra các liposome mỏng hơn để hoàn thiện quá trình phân chia này”. Erickson nói rằng FtsZ trong vi khuẩn chính là thủy tổ của tubulin – loại protein tạo nên ống vi thể trong tế bào động vật đồng thời là đích ngắm của rất nhiều dược phẩm chống ung thư như taxol. Mặc dù FtsZ không nhạy cảm với taxol, nhưng bất cứ điều gì tìm hiểu được từ protein thủy tổ trong vi khuẩn đều giúp chúng ta hiểu biết về ống vi thể; từ đó giúp tế bào động vật giữ được hình dạng và kiểm soát các hoạt động của chúng.

Insulin và công nghệ sản xuất insulin trên thế giới

Người ta đã nhận thấy rằng bệnh tiểu đường là một trong những căn bệnh đe dọa nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người.Trên thế giới, con số những người mắc bệnh tiểu đường ước tính khoảng từ 151 triệu đến 171 triệu (năm 2000), và dự kiến con số này sẽ là 221 triệu (năm 2010), năm 2030 sẽ lên đến 366 triệu người. Và đương nhiên, việc gia tăng con số những người mắc bệnh tiểu đường sẽ kéo theo sự gia tăng các biến chứng của căn bệnh này như thần kinh, xơ vữa động mạch… Theo ước tính, số người tử vong trên thế giới do bệnh tiểu đường trong năm 2000 là 2,9 triệu và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trong đó, tiểu đường type 2 chiếm khoảng hơn 90% tổng số ca bệnh. Điều đó đòi hỏi phải tìm ra những hướng tiệp cận mới cho việc ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này.

Bệnh tiểu đường là một căn bệnh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Tiểu đường gây ra do tác động phức tạp giữa gene và các yếu tố môi trường, từ đó dẫn tới sự bất bình thường trong quá trình điều hoà lượng glucose trong cơ thể liên quan tới những vấn đề về hormone insulin.

Insulin là một hormone được tiết ra bởi tế bào beta trong đảo Langerhans của tuyến tụy khi động vật tiêu ăn thức ăn, đây là hormone quan trọng nhất cho quá trình lưu trữ, sử dụng đường, acid amin và acid béo và duy trì lượng đường trong máu. Hàm lượng đường trong máu (hay còn gọi là hàm lượng glucose trong máu) là nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Nếu lượng đường trong máu không duy trì ở mức bình thường có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Hàm lượng đường trong máu tăng có thể gây ra sự bài tiết đường qua nước tiểu, kết quả là bị mất glucose, hiện tượng này còn gọi là bệnh tiểu đường. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm trong mô, các cơ quan của cơ thể. Mặt khác, hàm lượng đường trong máu giảm dẫn đến năng lượng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt gây nguy hiểm cho sự duy trì cơ thể sống.

Hàm lượng đường trong máu được duy trì ở mức bình thường là do sự cân bằng giữa các yếu tố làm tăng lượng đường trong máu (như glucagon, hormone, cortisol, catecholamine) với các yếu tố làm giảm lượng đường trong máu. Insulin là hormone duy nhất có thể làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, khi khả năng tiết hormone này giảm đi (do một số nguyên nhân) thì insulin không cung cấp đủ cho cơ thể gây ra bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin (Insulin-Dependent Diabetes Mellitus - IDDM), còn gọi là tiểu đường type I. Với những bệnh nhân mắc tiểu đường type I thì insulin là phương thuốc điều trị duy nhất.

Insulin người là một polypeptide bao gồm một chuỗi A với 21 acid amin và một chuỗi B với 30 acid amin, có một cầu nối disulfur trong chuỗi A và 2 cầu nối disufur nối giữa hai chuỗi A và B. Insulin ban đầu được tổng hợp ở dạng “preproinsulin” (tiền insulin) trên ribosome trong tế bào beta trong đảo Langerhans của tuyến tụy. Preproinsulin là một phân tử dạng thẳng bao gồm: một peptide tín hiệu chứa 24 acid amin (SP), chuỗi B, peptide C với 31 acid amin (C) và chuỗi A nối với nhau theo thứ tự SP-B-C-A. Khi vận chuyển qua lưới nội chất, peptide tín hiệu bị phân cắt tạo ra proinsulin (B-C-A). Proinsulin hình thành cầu nối disulfur trong lưới nội chất, hình thành cấu trúc bậc ba. Proinsulin bị phân cắt bởi enzyme PC1/3 tại liên kết giữa chuỗi B và peptide C và sau đó bị phân cắt bởi enzyme PC2 ngay vị trí liên kết giữa chuỗi A và peptide C. Hai acid amin đầu N của peptide nối với đầu C của chuỗi B khi bị phân cắt bởi PC1/3 sẽ được phân cắt ra khỏi chuỗi B bởi enzyme carboxypeptidase H. Kết quả cuối cùng của quá trình phân cắt tạo thành insulin.

Hình 1. Cấu trúc của phân tử insulin

Trong năm 2005, nhu cầu insulin dùng trong trị bệnh tiểu đường ước tính khoảng 4.000 đến 5.000 kg và dự kiến năm 2010 là 16.000 kg. Nhu cầu về insulin của thế giới vượt qua con số vài tấn/năm và vì thế nguồn cung cấp insulin cho trị bệnh tiểu đường đang thiếu hụt. Từ những thập niên 1920 cho đến những năm đầu của thập niên 1980, insulin được tạo ra bằng cách cô lập từ tuyến tụy của động vật như heo và bò. Tuy nhiên, insulin người có sự khác biệt trong thành phần acid amin so với insulin bò (hai vị trí trong chuỗi A và một vị trí trong chuỗi B) và insulin heo (một vị trí trong chuỗi B). Do đó gây ra những tác dụng không mong muốn (như dị ứng) khi sử dụng insulin có nguồn gốc từ heo hay bò. Ngoài ra, quá trình sản xuất và tinh sạch insulin từ động vật còn gặp nhiều khó khăn. Sau đó, các phương pháp bán tổng hợp insulin người từ insulin heo và bò đã được phát triển bằng các sử dụng phản ứng chuyển peptide (transpeptidation) sử dụng trypsin. Tuy nhiên, insulin tái tổ hợp được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp di truyền hiện đang được sử dụng chủ yếu do chi phí sản xuất thấp và hiệu quả sản xuất cao. Insulin người được sản xuất bằng kỹ thuật di truyền đầu tiên tạiCông ty Genetech (Hoa Kỳ) và sản phẩm này được đưa ra thị trường vào năm 1982. Trong lịch sử, đây cũng là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào dược phẩm thành công.

Về sau, nhiều phương pháp sản xuất insulin tái tổ hợp đã được phát triển. Ví dụ: phương pháp sản xuất của Tập đoàn Eli Lilly: phương pháp sản xuất này biểu hiện chuỗi A và chuỗi B riêng biệt bằng cách sử dụng Escherichia coli, sau đó thu chuỗi A và chuỗi B, trộn với nhau in vitro tạo cầu nối disulfur. Phương pháp này có hiệu quả sản xuất thấp. Do đó, Eli Lilly phát triển một phương pháp cải tiến hơn, phương pháp này biểu hiện proinsulin thay vì biểu hiện chuỗi A và B riêng biệt như phương pháp cũ, tạo cầu nối disulfur in vitro, sau đó phân cắt peptide C khỏi hai chuỗi A và B bằng trypsin và carboxypeptidase, tạo thành insulin.


Hình 2. Sản xuất insulin tái tổ hợp với chuỗi A và chuỗi B riêng biệt

Một phương pháp khác được phát triển bởi tập đoàn Novo Nordisk, phương pháp này biểu hiện miniproinsulin bao gồm chuỗi B và chuỗi A nối với nhau bằng 2 acid amin, được biểu hiện trong nấm men, sau đó xử lý miniproinsulin in vitro bằng trypsin tạo thành insulin. Phương pháp này có nhiều thuận lợi như cầu nối disulfur được hình thành trong quá trình biểu hiện và quá trình tiết miniproinsulin, và miniproinsulin này được tách chiết và tinh sạch dễ dàng do được tiết thẳng ra môi trường nuôi cấy.

Hiện tại, người ta vẫn tiếp tục phát triển những phương pháp sản xuất insulin tái tổ hợp. Công ty Hoechst đã đưa ra một phuơng pháp sản xuất insulin bao gồm: biểu hiện một dạng dẫn xuất mới của insulin hoặc biểu hiện preproinsulin trong E. coli; tạo các cầu nối disulfur invitro; sau đó, xử lý bằng lysylendopeptidase hoặc clostripain/carboxypeptidase B; cuối cùng tạo ra insulin.

Mới đây nhất, Công ty Bio-Technology General đã đưa ra một phương pháp mới. Trong phương pháp này, một dạng protein dung hợp (fusion protein) bao gồm superoxide dismutase (SOD) gắn với proinsulin được biểu hiện trong tế bào E. coli. Bằng cách này, hiệu suất của quá trình biểu hiện protein và hiệu quả của quá trình hình thành các cầu nốii. Sau đó, proinsulin được chuyển thành insulin nhờ xử lý với trypsin và carboxypeptidase B. Bằng những cách tương tự như thế, người ta đã đưa ra ngày càng nhiều các phuơng pháp sản xuất insulin tái tổ hợp và cải tiến nhièu hơn để nâng cao hiệu quả của các quá trình biểu hiện protein, hình thành cầu nối disulfur, chuyển proinsulin thành insulin.

Hình 3. Sản xuất insulin tái tổ hợp trên vi khuẩn

Hiện nay, hầu hết những phương pháp sản xuất insulin thương mại đều dựa trên các chủng nấm men (Saccharomyces cerevisiae) hoặc vi khuẩn (E. coli) kết hợp với các kỹ thuật gene để sản xuất insulin người tổng hợp. Người ta nuôi cấy các chủng này trên quy mô lớn, trong những bồn lên men bằng thép đặt tiền, sau đó, insulin được ly trích ra, tinh sạch để được sản phẩm cuối cùng.

Nói về các hệ thống tế bào dùng để biểu hiện insulin tái tổ hợp, người ta sử dụng rất đa dạng từ vi sinh vật tới tế bào động vật và cả thực vật. Trong số đó, tế bào vi sinh vật được sử dụng nhiều nhất do chúng dễ thao tác, dễ đưa vào áp dụng ở quy mô sản xuất công nghiệp, nhiều nhất là E. coli và nấm men. Gần đây, người ta đưa ra một hệ thống biểu hiện khác cho các loại protein tái tổ hợp – đó là Bacillus brevis.

Mục đích của những nghiên cứu, phát minh hiện tại là muốn phát triển một hệ thống biểu hiện và 1 phương pháp sản xuất insulin có năng suất cao và hiệu quả sản xuất phải ngang bằng hay vuợt trội hơn so với những hệ thống sản xuất insulin đã từ trước tới nay. Hay nói cách khác, các nghiên cứu trong giai đoạn này nhằm cải tiến phương pháp cổ điển chuyển các tiền chất của insulin thành insulin; nghiên cứu tìm ra môi trường tối ưu cho việc hình thành các cầu nối cần thiết cho việc biểu hiện hoạt tính của insulin; tìm ra một hệ thống biểu hiện insulin cho năng suất, sản luợng cao.

công nghệ nano trong y sinh học

Cách mạng nano trong ứng dụng y sinh học

Cach mang nano trong ung dung y sinh hoc
Viên đạn nano sinh học gắn vào tế bào.
Công nghệ nano đang phát triển với tốc độ chóng mặt và làm thay đổi diện mạo của các ngành khoa học. Đặc biệt, ngành công nghệ mới này đang tạo ra một cuộc cách mạng trong những ứng dụng y sinh học nhờ vào những khả năng giúp con người can thiệp tại kích thước nanomet (1nanomet bằng 1/triệu mm) bằng những vật liệu nano được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Biến ước mơ thành hiện thực
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ có tiêu đề The fantastic voyage, tạm dịch là Chuyến du hành kỳ diệu, các nhà điện ảnh Mỹ đã tưởng tượng ra chuyện một đoàn y bác sĩ đã dùng phương tiện thu nhỏ hiện đại để thực hiện một chuyến du hành trên một con tàu cực nhỏ. Họ chu du trong các mạch máu, đến từng ngóc ngách trong cơ thể con người để sửa chữa những tế bào hỏng hóc.

Các nhà khoa học cho rằng, chính công nghệ nano đang biến giả tưởng đó thành hiện thực. Trong một tương lai không xa, con người sẽ chế tạo ra những chiếc máy nano thông minh có khả năng mô phỏng thiên nhiên, lắp ghép các nguyên tử, phân tử và lập trình để chúng thực hiện theo những chức năng cần thiết, tạo ra những thứ có ích hoặc tiêu diệt những chất có hại.

Máy nano sinh học có thể hoàn tất những thí nghiệm trong vòng vài phút thay vì vài ngày như hiện nay, thay thế công việc của cả phòng bệnh lý.

Khi kích thước của hệ sinh vật sống từ micromet giảm xuống tới nanomet, sẽ có khả năng kết hợp các đơn vị sinh học như enzym với các cấu trúc nano nhân tạo. Bằng cách kết hợp các enzym và chip sillic, người ta có thể chế tạo các cảm biến sinh học. Cảm biến này có thể truyền vào người hoặc động vật để giám sát, theo dõi sức khỏe và phóng thích liều lượng thuốc chính xác.

Hiện nay, con người đã chế tạo ra hạt nano có đặc tính sinh học và có tác động lên con người y hệt như kháng thể, tức là chúng có thể lập trình để truy diệt tế bào ung thư. Các chất liệu từ công nghệ nano có thể hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh tật hay khảo sát cơ thể, bằng cách gắn những chuỗi DNA vào những hạt nano có khả năng cảm thụ đặc tính sinh học của tế bào và gửi tín hiệu ra bên ngoài.

Vật liệu siêu nhuận từ và ứng dụng y sinh họcKhi kích thước các hạt của vật liệu từ tính giảm đến giá trị nào đó (khoảng vài chục nanomet) sẽ trở thành vật liệu siêu nhuận từ, sẽ có những tính chất đặc biệt cho các ứng dụng y sinh học.

Trong tự nhiên, sắt là vật liệu thường được dùng để nghiên cứu làm hạt nano từ tính. Các hạt nano từ tính dùng trong y sinh học thường có dạng chất lỏng từ, còn gọi là nước từ, gồm 3 phần: hạt nano từ tính, chất hoạt hóa bề mặt và dung môi. Trong đó hạt nano từ tính là thành phần duy nhất quyết định tính chất từ của chất lỏng từ. Các chất hoạt hóa bề mặt làm hạt nano phân tán trong dung môi, tránh kết tụ và có tác dụng che phủ hạt nano khỏi sự phát hiện của hệ thống bảo vệ cơ thể, tạo các liên kết hóa học.

Hạt nano từ tính có các ứng dụng cả ngoài cơ thể và trong cơ thể. Phân tách và chọn lọc tế bào bằng việc sử dụng hạt nano từ tính là một phương pháp tiên tiến. Các thực thể sinh học cần nghiên cứu sẽ được đánh dấu thông qua các hạt nano từ tính. Các hạt từ tính được bao phủ bởi các chất hoạt hóa, tương tự các phân tử trong hệ miễn dịch, có thể tạo ra các liên kết với các tế bào hồng cầu, tế bào ung thư, vi khuẩn... Một từ trường bên ngoài sẽ tạo lực hút các hạt từ tính có mang các tế bào được đánh dấu và giữ chúng lại, các tế bào không được đánh dấu sẽ thoát ra ngoài.

Dẫn truyền thuốc bằng các hạt từ tính đã phát triển từ những năm 1970. Đó là việc sử dụng hạt từ tính như các hạt mang thuốc đến vị trí cần thiết trong cơ thể, giúp thu hẹp phạm vi phân bố của các thuốc trong cơ thể làm giảm tác dụng phụ của thuốc và giảm lượng thuốc điều trị.

Hệ thuốc/hạt từ tính tạo ra chất lỏng mang từ tính đưa vào cơ thể thông qua hệ tuần hoàn. Khi các hạt này đi vào mạch máu, người ta dùng một từ tính mạnh để tập trung các hạt vào một vị trí nào đó trên cơ thể. Phương pháp này rất thuận lợi trong điều trị u não vì việc dẫn truyền thuốc vào u não rất khó khăn. Nhờ sự trợ giúp của hạt nano, việc dẫn truyền thuốc hiệu quả hơn rất nhiều.

Những hạt nano phát quang khi đi vào cơ thể và khu trú, tập trung tại các vùng bệnh, kết hợp với kỹ thuật thu nhận tín hiệu phản xạ quang học giúp con người có thể phát hiện các mầm bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.

Một vài ngành ứng dụng mới dựa trên công nghệ nano
Trong phẫu thuật thẩm mỹ, đang hình thành ngành Cosmetic Nano Surgery (tạm dịch Nano phẫu thuật thẩm mỹ). Các ứng dụng công nghệ nano đang phát triển trong vi phẫu thuật thẩm mỹ để bóc mỡ thừa, căng da, xóa nếp nhăn, đổi màu tóc... Các loại kem bôi da chứa hạt nano giúp thay đổi màu da hay ngăn chặn tia tử ngoại dễ gây ung thư da.

Ngành công nghệ mới có tên Nano-bio (tạm dịch là Sinh học nano) đang hình thành, sẽ tạo ra những vật liệu mới tạo mô xương, các bộ phận thay thế y sinh học dùng cho con người như da, băng thông minh...

Ngành phỏng sinh học nano hướng đến việc chế tạo những vật liệu mô phỏng các khả năng đặc biệt của các loài động thực vật trong tự nhiên. Ví dụ hiện tượng lá sen luôn sạch sẽ và không bao giờ ướt là do cấu trúc bề mặt có các cột nhỏ cỡ nanomet, cách nhau khoảng vài micromet tạo nên bề mặt không thấm nước. Từ đó các nhà khoa học đã sản xuất ra vật liệu polyme mô phỏng cấu trúc của lá sen, có khả năng không thấm nước, mang lại nhiều ứng dụng trong y tế và đời sống.

Phát triển như vũ bãoTrong vòng 20 năm qua, công nghệ nano luôn là ngành khoa học mũi nhọn. Mỗi năm có hàng ngàn phát minh được công nhận dựa trên công nghệ này. Trên thế giới, nhiều chính phủ nhận ra kỹ thuật nano sinh học sẽ là động cơ chính phát triển công nghệ y học. Tại Mỹ, năm 2005, Chính phủ chi 3,5 tỷ USD cho chương trình có tên Sáng kiến nano, trong đó gần 1 tỷ USD được dành cho sinh học nano. Ở Việt Nam, hiện nay các nhà khoa học đã chế tạo được hạt nano từ tính bằng các phương pháp hóa, cơ học... và tập trung vào định hướng y sinh học trong việc phân tách tế bào, dẫn thuốc, nung nóng cục bộ...
Nguyên Anh tổng hợp - (SKĐS)
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Lễ trao Huy chương Hữu nghị cho cố GS. Ennio Lucio Benedetti và TS. Irene Dunia Benedetti - Nước Cộng hòa Pháp

Sáng ngày 28/03/2011 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã diễn ra buổi lễ trao Huy chương Hữu nghị cho cố Giáo sư Ennio Lucio Benedetti và Tiến sĩ Irene Dunia Benedetti vì có những đóng góp to lớn cho ngành y tế Việt Nam nói riêng và cho sự phát triển hợp tác khoa học giữa Việt Nam và cộng hòa Pháp nói chung. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Tùy viên hợp tác y tế của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đại diện của Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế - Việt Nam; các công chức, viên chức của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đặc biệt là sự có mặt của Tiến sĩ Irene Dunia Benedettivà các thành viên trong gia đình bà. Thay mặt Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng đã nêu những thành tích và công lao to lớn của cố Giáo sư Ennio Lucio Benedetti và Tiến sĩ Irene Dunia Benedetti đến sự phát triển của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói riêng và ngành Y tế Việt Nam nói chung. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, ngay từ những năm đầu thống nhất khi Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cố GS Lucio Benedetti đã cùng phái đoàn khoa học Pháp sang Việt Nam để hỗ trợ nhân đạo cũng như giúp Việt Nam phát triển về mặt khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe. Ông đã giúp Việt Nam tổ chức hàng loạt các hội thảo khoa học, khoá học chuyên ngành về miễn dịch, hóa sinh, tế bào và bệnh học. Tạo điều kiện cho nhiều lượt cán bộ khoa học của Việt Nam sang Pháp để đào tạo chuyên sâu. Ông cũng là một trong những nhà khoa học nước ngoài đầu tiên đặt nền móng xây dựng và thành lập phòng thí nghiệm Hóa sinh và tế bào tại Việt Nam, đặc biệt là xây dựng thành công Phòng thí nghiệm Hiển vi điện tử (tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) trong nghiên cứu y sinh. Hiện nay, phòng thí nghiệm Hiển vi điện tử tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương do ông và TS. Irene Dunia giúp đỡ đã trở thành Phòng thí nghiệm hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu siêu cấu trúc vi sinh vật, các đặc tính hóa miễn dịch tế bào và kiểm định vắc xin vi rút về mặt hình thái học. Trong nghiên cứu, ông cùng TS. Irene Dunia đã kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu rất nhiều bệnh dịch nổi trội như: bệnh phong, SARS, cúm H5N1, viêm não... nghiên cứu chế tạo các vắc xin phòng bệnh. Có nhiều công trình nghiên cứu hợp tác đã được công bố chung trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín.

Ngoài ra ông và Tiến sĩ Irene Dunia còn là những người có công đầu trong việc vận động Đại sứ quán Italia giúp đỡ về mặt nghiên cứu và tặng thuốc kháng sinh Rifampicin chữa trị bệnh phong và bệnh lao ở Việt Nam trong những năm đất nước bị cấm vận về kinh tế. Với cương vị là Giám đốc nghiên cứu CNRS Viện nghiên cứu Jaques Monod-Trường Đại học Paris 6&7, CH Pháp ông đã có nhiều công sức trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cùng nhiều đoàn Chữ thập đỏ quốc tế và bộ đội Việt Nam tham gia tái thiết đất nước Campuchia sau thảm họa diệt chủng năm 1979. Ông và Tiến sĩ Irene Dunia còn trực tiếp tham gia giảng dậy, hỗ trợ kinh phí cho nhiều lượt cán bộ của Việt Nam ra nước ngoài tiếp cận với công nghệ khoa học tiên tiến hiện đại của thế giới.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao Huy chương Hữu nghị cho cố Giáo sư Ennio Lucio Benedetti và Tiến sĩ Irene Dunia Benedetti. Huy chương Hữu nghị là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng cho người nước ngoài có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực khác nhau giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế”.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến trao Huy chương Hữu nghị cho TS. Irene Dunia Benedetti (SKĐS).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh “Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp trong suốt hơn 35 năm qua của cố Giáo sư Lucio Benedetti và Tiến sĩ Irene Dunia trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự phát triển khoa học của Việt Nam cũng như tình hữu nghị giữa Việt Nam và cộng hòa Pháp. Những người Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự giúp đỡ quý báu của các nhà khoa học, cá nhân và tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển của đất nước Việt Nam. Nhân sự kiện trọng đại này, tôi nhiệt liệt cổ vũ sự đóng góp quý báu của cố Giáo sư Italian Lucio Benedetti và Tiến sĩ. Irene Dunia. Kính mong Tiến sĩ Irene Dunia Benedetti, các bạn bè quốc tế, Đại sứ quán Pháp tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị trong lĩnh vực khoa học, y tế và văn hóa với Việt Nam”.

Thay mặt gia đình Tiến sỹ Irene Dunia Benedetti gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dậy, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm khoa học, bà cũng bày tỏ lòng cảm ơn và niềm vinh hạnh sâu sắc khi được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian tới bà sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp ngày càng bền chặt; sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đặc biệt là Cộng hòa Pháp có nhiều bước tiến bộ và thành tựu mới, góp phần tích cực và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân Việt Nam.


Văn Tiến - Phòng TCCB

Quang Huy - Khoa Vi rút

(Theo http://www.nihe.org.vn/)

Chúc mừng năm mới

Nhân dịp xuân Tân Mão - 2011 đang tới gần, phòng thí nghiệm Hiển vi điện tử kính chúc mọi người một năm mới  AN LÀNH - HẠNH PHÚC - THỊNH VƯỢNG.
PTN Hiển vi điện tử

TIỆN ÍCH

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites